Menu Đóng

Một số cách tái chế rác thải nhựa

Rác thải Nhựa là một trong những loại rác thải khó xử lý và là bài toán khó cho nhiều nước trên thế giới bởi tái chế sao cho an toàn và tiết kiệm chi phí.

Cùng với nền kinh tế đang phát triển chóng mặt, thì khối lượng rác thải nhựa thải ra môi trường hàng ngày ngày càng nhiều và là một con số thực sự đáng báo động. Vậy có những phương pháp tái chế rác thải nhựa nào và công nghệ tái chế rác thải nhựa hiện nay ra sao? Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

Tại sao cần tái chế rác thải nhựa?

Rác thải nhựa gồm tất cả các loại chai lọ nhựa, thùng, chậu, rổ, túi nilon,… và rác thải công nghiệp có thành phần chính là polyme. Đặc biệt, vào thời đại thức ăn nhanh hiện nay, việc quen sử dụng túi nilon, hộp nhựa, cốc nhựa dùng một lần, ống hút,… đã tạo ra một khối lượng rác thải nhựa khổng lồ.

Rác thải nhựa bao gồm toàn bộ lượng nhựa thải ra môi trường, đã được tái chế, tiêu hủy hoặc không được sử dụng tái chế và tiêu hủy đúng cách. Với cấu tạo của nhựa, thường mất hàng trăm nghìn năm để có thể phân hủy hoàn toàn và gây hại rất nhiều đến môi trường.

Lượng tiêu thụ nhựa của thế giới vô cùng lớn, trung bình mỗi phút cả thế giới thải ra 1 triệu chai nhựa, mỗi năm trung bình thải ra 5000 tỷ túi nilon,… Riêng đối với Việt Nam, trong mỗi tháng, trung bình một hộ gia đình sử dụng 1kg túi nilon, số lượng rác thải nhựa ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lên tới 80 tấn mỗi ngày.

Vì theo đặc điểm cấu tạo, nhựa dễ dàng nóng chảy và phân hủy trong điều kiện nhiệt độ trên 80 độ C. Tuy nhiên, khi nóng chảy thì nhựa phân hủy thành hạt vi nhựa và các chất độc hại, làm ô nhiễm bầu không khí, nguồn nước và gây nguy hại cho con người. Đặc biệt, tình trạng động vật biển chết ngạt vì rác thải nhựa đang là một tình trạng đáng báo động.

Do đó, giảm thiểu rác thải nhựa và tăng lượng nhựa được tái chế là mục tiêu quan trọng hàng đầu đối với chính phủ các nước hiện nay, đặc biệt là những nước có biển như Việt Nam.

Tái chế rác thải nhựa – tình hình và tính cấp thiết

Môi trường đang gồng mình gánh tổng khối lượng rác thải nhựa lên đến 6.3 tỷ tấn. Đồng thời, với tình hình phát triển như hiện nay, lượng nhựa được sử dụng vẫn không ngừng tăng lên, có nguy cơ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm nữa. Tuy nhiên, hơn 80% tổng khối lượng rác thải nhựa không hề được xử lý mà thải thẳng ra môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Tình trạng tìm thấy hạt vi nhựa trong cá và các loại đồ ăn tươi sống hàng ngày không còn là vấn đề mới.

Có nhiều phương pháp để tái chế rác thải nhựa hiện nay

Với khối lượng rác thải khổng lồ được thải ra môi trường hàng ngày, thế giới đang đối mặt với viễn cảnh ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng. Đặc biệt là ở Việt Nam, theo ông Đặng Huy Nguyên, Nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư cho rằng chỉ có 10% rác thải nhựa ở Việt Nam được thu gom để tái chế, còn lại được xử lý chôn lấp, đốt hoặc thải thẳng ra môi trường.

Các công nghệ tái chế rác thải nhựa hiện nay

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều biện pháp và công nghệ tái chế rác thải nhựa. Mỗi biện pháp tái chế đều có những ưu điểm riêng, và chỉ áp dụng được cho một số loại rác thải nhựa nhất định.

Tái chế thành đồ dùng trong nhà, đồ trang trí

Phương pháp tái chế rác thải nhựa thành các vật dụng trong nhà là phương pháp phổ biến nhất hiện nay, bất cứ ai cũng có thể áp dụng và thực hiện. Từ những món rác thải nhựa quen thuộc hàng ngày như túi nilon, chai nhựa, vỏ gói mì tôm,… và tùy theo mức độ khéo tay mà các bạn có thể “hô biến” rác thải nhựa thành những món đồ trang trí, vật dụng nhỏ xinh và vô cùng tiện dụng.

Từ những chai nước ngọt, can nước lớn bỏ đi, các bạn có thể tái chế chúng thành chậu trồng cây, hộp bút, kệ sách, màn treo cửa, ghế đôn,… vô cùng độc đáo và đẹp mắt. Có nhiều người đã sử dụng số lượng lớn nắp chai nhựa để trang trí mái nhà, tường nhà,… tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị và cực kỳ thẩm mỹ.

Tái chế chai nhựa thành chậu trồng cây xinh xắn

Thời trang tái chế

Trên thế giới hiện nay đã có một số thương hiệu thời trang sử dụng nguồn nguyên liệu chính là nhựa tái chế. Với tinh thần sáng tạo và mong muốn giảm thiểu lượng rác thải nhựa trên thế giới, những nhà thiết kế thời trang trẻ đã cho trình làng rất nhiều bộ sưu tập thời trang đủ các mùa được thực hiện từ nhựa tái chế.

Các hãng thời trang nổi tiếng cũng có một số nhóm hàng mới với nguồn nguyên liệu từ nhựa tái chế nhằm kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường đối với mọi người. Ở Việt Nam, thầy giáo Lê Quốc Toàn ở tỉnh Sóc Trăng đã tái chế vỏ mì tôm, túi nilon đầy màu sắc thành những chiếc túi xách, hộp đựng quà vô cùng đẹp mắt và thời trang. Với khả năng sáng tạo không ngừng của con người, nguồn nguyên liệu từ nhựa tái chế là một thị trường hấp dẫn với các hãng thời trang hiện nay.

Để có thể sử dụng nhựa tái chế vào thời trang, tùy vào độ phức tạp mà có các bước xử lý nhựa khác nhau. Các loại rác thải nhựa được phân loại theo màu sắc, nghiền nát thành hạt và làm sạch dưới nhiệt độ cao. Sau đó, các hạt nhựa này sẽ được kéo thành sợi econyl tổng hợp và qua một số quy trình xử lý thành loại vải chống mòn và chống giãn.

Xây dựng sử dụng vật liệu tái chế

Trên thế giới, có rất nhiều nước đã áp dụng công nghệ tái chế rác thải nhựa để tạo nguyên liệu cho ngành công nghiệp xây dựng. Rác thải nhựa được phân loại kỹ lưỡng sẽ được xử lý để tạo ra hợp chất nhựa tái chế có tính chất tương tự và thay thế nhựa đường, có thể làm đường, vá ổ gà,… Những loại nhựa đường mới này thậm chí còn tốt hơn loại nhựa đường thông thường vì có nhiệt độ nóng chảy cao hơn và giúp cho đường không bị biến dạng khi nhiệt độ cao.

Bên cạnh đó, rác thải nhựa cũng có thể tái chế thành gạch xây dựng. Loại gạch này có tính chống cháy, nhẹ hơn 205 và có tuổi thọ dài hàng trăm năm so với gạch thường. Với khả năng chống nước và cách nhiệt tốt, giúp giảm chi phí xây dựng tối ưu, đây được hứa hẹn là một nguồn nguyên vật liệu xây dựng tuyệt vời trong tương lai.

Gạch được làm từ cát và nhựa tái chế

Tạo nguồn nhiên liệu từ nhựa tái chế

Không chỉ là những nguyên vật liệu rắn, rác thải nhựa hoàn toàn có thể tái chế thành nguồn nhiên liệu như xăng, dầu,… và những hợp chất khác như sáp, chất bôi trơn, cao su,… Các nhà khoa học của đại học Chester (Anh) cũng đã tìm ra giải pháp để biến nhựa tái chế thành nhiên liệu hydro hoặc điện năng dùng cho ô tô và các hộ gia đình. Nhựa sau khi được phân loại sẽ được cắt nhỏ, nung chảy dưới điều kiện nhiệt độ nhất định, khí sinh ra trong quá trình này sẽ được phân tách và đưa vào sử dụng.

Các nhà khoa học đang tái chế nhựa thành dầu diesel

Rác thải nhựa đang đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của mỗi chúng ta, hãy chung tay để giảm thiểu rác thải nhựa nhé. Bên cạnh những biện pháp tái chế, tái sử dụng thông thường, các bạn có thể góp phần cho ngành công nghiệp tái chế như phân loại rác thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần. Vì môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn cho thế hệ mai sau, chúng ta hãy cùng chung tay hành động.